Chuyến du hành kỳ lạ của Ngài Daldry
Phan_17
- Anh ở đây lâu chưa?
- Từ tám giờ sáng nay, ngài tự tính xem, thưa Quý Ngài.
- Xin lỗi nhưng tôi không biết là chúng ta có hẹn.
- Tôi xuất hiện vào buổi sáng cũng là bình thường thôi. Quý Ngài chẳng đã thuê tôi còn gì?
- Nói xem anh tính tiếp tục gọi tôi như thế bao lâu nữa? Nghe thật nực cười và khó chịu.
- Chỉ khi nào tôi tức anh thôi. Tôi đã sắp xếp hẹn với một người thợ làm nước hoa khác, nhưng đã quá trưa…
- Tôi muốn uống một tách cà phê, chúng ta bàn sau nhé, Daldry nói rồi bỏ Can lại.
- Ngài có thèm muốn nào đặc biệt dành cho thời gian còn lại trong ngày không, thưa Quý Ngài! Can hét lên sau lưng anh.
- Muốn anh để tôi được yên!
Daldry ngồi vào quầy, không tài nào rời mắt khỏi Can vẫn đang đi đi lại lại ngoài sảnh. Anh rời ghế đầu quay lại chỗ anh ta.
- Tôi không muốn tỏ ra khó chịu đâu. Để chuộc lỗi, tôi sẽ cho anh nghỉ ngày hôm nay. Dù sao thì tôi cũng đã hứa đưa cô Alice đi ăn rồi sau đó chúng tôi có hẹn ở lãnh sự quán. Mai anh quay lại đây gặp chúng tôi, vào giờ hợp lý hơn, tầm cuối buổi sáng nhé, chúng ta sẽ đi gặp người thợ làm nước hoa của anh.
Rồi sau khi tạm biệt Can, Daldry quay lại quầy bar.
Sau khoảng mười lăm phút, Alice tới gặp anh ở đó.
- Tôi biết, anh nói trước khi cô kịp mở lời, tôi đã tới trước, nhưng cũng chẳng có gì vẻ vang cả, chỉ là cô đã không gặp may.
- Tôi mải tìm cái mũ, vì thế nên mới xuống muộn.
- Thế cô có thấy không? Daldry ranh mãnh hỏi.
- Dĩ nhiên rồi! Nó nằm ngay ngắn trên ngăn tủ quần áo của tôi.
- Vậy à, thảo nào trông cô vui vẻ thế! Thế còn bữa trưa bên bờ biển thì sao, cô vẫn đi chứ?
- Kế hoạch thay đổi. Tôi vừa định bảo anh, Can đã nhẫn nại đợi ở sảnh, anh ấy thu xếp dẫn chúng ta đi thăm khu chợ lớn bazar, thật hết sức đáng yêu. Tôi mừng đến phát điên, tôi vẫn mơ về nơi đó. Khẩn trương lên, cô nói, tôi đợi anh bên ngoài nhé.
- Tôi cũng vậy, Daldry nghiến rang nói trong lúc Alice đã đi xa. Nếu may mắn, tôi có thể tìm một góc vắng vẻ mà bóp cổ tay hướng dẫn viên này.
Xuống xe điện, họ tiến về phía mặt Bắc cửa đền thờ Beyazit. Đến cuối quảng trường, họ vào một con phố hẹp, hai bên là những quầy sách cũ cùng quầy hàng của thợ khắc. Họ đã lang thang khắp các lối đi trong khu chợ lớn được một tiếng đồng hồ mà Daldry vẫn không nói một lời, Alice hớn hở chỉ chú tâm vào những giai thoại Can kể.
- Đây là khu chợ có mái che lớn nhất và lâu đời nhất thế giới, anh chàng hướng dẫn viên tự hào thông báo. “Bazar” có nguồn gốc từ tiếng Ả rập. Thời xưa, người ta gọi nơi này là Bedesten, vì trong tiếng Ả rập bedes có nghĩa là “len”, mà trước kia đây chính là nơi bán len.
- Còn tôi thì là con cừu đang theo đuôi chàng mục đồng, Daldry lẩm bẩm.
- Ngài nói gì vậy, thưa Quý Ngài? Can quay lại hỏi.
- Không có gì, tôi vẫn kính cẩn nghe anh đây, anh bạn thân mến ạ, Daldry đáp.
- Bedesten cổ nằm chính giữa khu chợ lớn, nhưng giờ ở đó là những cửa hàng vũ khí cổ, đồ đồng cũ và đồ gốm sứ ngoại lệ thường. Ban đầu toàn bộ được dựng lên bằng gỗ. Nhưng rủi thay cả khu đã bị cháy rụi hồi đầu thế kỷ XVIII. Khu chợ gần giống một thành phố có mái che với những mái vòm lớn, ngẩng đầu lên là các vị có thể thấy và đừng có hờn dỗi nếu một số người thấy được điều tôi muốn nói! Ở đây có đủ mọi thứ, đồ trang sức, áo lông thú, thảm len, đồ mỹ nghệ, dĩ nhiên là nhiều hàng nhái, nhưng một số món rất tuyệt đẹp nếu có con mắt giám định biết đào bới ra chúng nữa…
- Đám lộn xộn này, Daldry lại càu nhàu.
- Nhưng rốt cuộc thì anh làm sao thế? Alice phản đối, những điều anh ấy giải thích cho chúng ta thật lý thú, có vẻ như anh đang tâm trạng bực bội quá đáng.
- Không một chút nào, Daldry đáp trả. Tôi chỉ đói, thế thôi.
- Phải mất trọn hai ngày mới khám phá được hết tất cả các con hẻm, Can thản nhiên tiếp tục. Để tạo điều kiện cho chuyện bát phố kéo dài vài giờ của quý vị, các vị nên biết rằng khu chợ được tài tình chia thành các phường, mỗi phường đều được bảo dưỡng cẩn thận như các vị có thể nhận thấy. Trong mỗi phường tập hợp các sản phẩm theo từng ngành hàng. Chúng ta cũng có thể đến ăn tại một địa điểm tuyệt vời vì ở đó ta có thể tìm thấy những món ăn duy nhất có khả năng khiến Quý Ngài của chúng ta say mê.
- Anh ấy có cách gọi anh thật lạ thường. Anh thấy đó, nó rất hợp với anh đấy, “Quý Ngài”, thậm chí còn khá hài hước nữa, đúng không? Alice thì thầm vào tai Daldry.
- Không, hoàn toàn không, nhưng vì có vẻ như lối xưng hô ấy làm cả hai người vui nên tôi sẽ không phá hỏng thú vui của các vị bằng cách cứ để các vị tưởng rằng trò mỉa mai của anh ta động chạm được đến tôi.
- Giữa hai người xảy ra chuyện gì à? Hai người cứ như chó với mèo ấy.
- Hoàn toàn không! Daldry đáp với vẻ mặt của đứa trẻ bị phạt đứng góc lớp.
- Anh quả là xấu tính! Can thì tận tụy hết mực. Nếu anh đói đến mức ấy thì chúng ta đi ăn. Tôi đành bỏ cuộc đi dạo này và nếu như làm thế giúp anh tìm lại được nụ cười.
Daldry nhún vai rồi rảo bước, bỏ xa Can và Alice.
Alice dừng lại trước một cửa hiệu bán nhạc cụ, một cây kèn đồng cũ thu hút ánh nhìn của cô. Cô xin phép người bán hàng được nhìn gần hơn.
- Armstrong(1) từng chơi chính là cây kèn ấy, người bán hàng phấn khởi nói. Độc nhất vô nhị đấy, tôi không biết chơi nhưng một người bạn của tôi đã thử và anh ta ngay lập tức muốn mua, đó là một vụ mua bán đặc biệt, ông ta thêm.
Can xem xét nhạc cụ rồi nghiêng về phía Alice.
- Đồ giả đấy. Nếu cô tìm mua một cây kèn đẹp, tôi biết chỗ bán thứ cô cần. Để cái này xuống đi rồi đi theo tôi.
Daldry chỉ còn biết ngước mắt lên nhìn trời khi thấy Alice đi theo Can, chú tâm vào những lời khuyên anh chàng hướng dẫn viên đưa ra.
Can dẫn cô tới một cửa hàng nhạc cụ khác nằm trong con hẻm bên cạnh. Anh yêu cầu người bán giới thiệu với cô bạn anh những mẫu đẹp nhất, miễn là không phải vì thế mà là những mẫu đắc nhất, nhưng Alice đã phát hiện ra một cây đằng sau tủ kính.
- Đấy đúng là kèn Selmer chứ? cô vừa hỏi vừa cầm cây kèn lên.
- Chính hiệu đấy, nếu còn nghi ngờ thì cô cứ đi.
Alice nghe thử âm thanh của cây kèn.
- Một cây kèn bạc bốn piston, nó hẳn phải đắt lắm!
1. Louis Daniel Armstrong (1901-1971), nghệ sĩ nhạc jazz nổi tiếng người Mỹ.
- Khi mặc cả ở khu chợ lớn thì người ta không làm thế đâu, thưa quý cô, người bán hàng vừa nói vừa cười niềm nở. Tôi còn muốn giới thiệu với cô một cây Vicent Bach nữa, Stradivarius của làng kèn, ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có duy nhất cây này thôi.
Nhưng Alice chỉ để mắt đến cây kèn Selmer. Cô nhớ đến Anton, anh từng đứng hàng giờ liền giữa giá rét để chiêm ngưỡng cũng mẫu kèn này trong tủ kính của một nhà buôn ở Battersea, không khác gì một tay mê ô tô chết ngất trước một chiếc Jaguar hay một con xe mang vẻ đẹp Ý. Anton đã chỉ dạy cho cô mọi điều về kèn, sự khác nhau giữa kèn piston và kèn bấm nút, kèn gõ đánh véc ni và kèn mạ bạc, về tầm quan trọng của chất liệu hợp kim vốn ảnh hưởng đến độ vang của kèn.
- Tôi có thể bán nó cho cô với giá phải chăng, người bán hàng ở khu chợ lớn nói.
Can nói gì đó bằng tiếng Thổ.
- Với một giá rất hời, người đàn ông chữa lại, bạn của Can cũng là bạn tôi. Tôi cũng tặng cô luôn túi đựng.
Alice trả tiền cho người bán hàng rồi, trước một Daldry dè dặt hơn bao giờ hết, bước đi với món đồ vừa mua.
- Tôi không hề biết rằng cô là chuyên gia về kèn, anh nói lúc theo gót cô. Cô có vẻ rất thạo.
- Đấy là bởi vì anh chưa biết hết mọi điều về tôi, Alice đáp vẻ đầy chế nhạo rồi rảo bước.
- Nhưng tôi đã bao giờ nghe cô thổi kèn đâu và có Chúa biết rằng tường ngăn giữa hai căn hộ của chúng ta dày đến mức nào đâu.
- Thế còn anh, chẳng phải anh cũng chẳng bao giờ chơi dương cầm còn gì?
- Tôi đã nói với cô rồi, đó là bà hàng xóm tầng dưới. Mà tóm lại thì sao nào? Đừng có nói với tôi là cô sẽ mang cái kèn của mình ra tận dưới cầu đường sắt mà thổi để làm phiền đến hàng xóm đấy nhé?
- Tôi tưởng anh đang đói cơ mà, Daldry? Tôi hỏi thế bởi vì tôi thấy phía trước có một quán ăn tồi tàn, giống như anh vẫn thích gọi thế, trông hoàn toàn không tồi chút nào.
Can bước vào quán trước tiên và ngay lập tức giành được cho họ một bàn trống, bất chấp hàng dài khách đang đợi đến lượt.
- Anh có cổ phần trong khu chợ hay bố anh chính là người sáng lập ra nó vậy? Daldry hỏi trong lúc ngồi xuống.
- Tôi chỉ đơn giản là hướng dẫn viên, thưa Quý Ngài!
- Tôi biết, và xuất sắc nhất Istanbul…
- Tôi bị lóa mắt vì cuối cùng anh cũng chân thành thừa nhận điều đó. Tôi sẽ đi gọi món cho các vị, thời gian trôi nhanh quá, lát nữa các vị còn cuộc hẹn ở lãnh sự quán nữa, Can đáp rồi tiến về phía quầy hàng.
9.
Lãnh sự quán đã lấy lại diện mạo thường nhật, những bó hoa trang trí biến mất, đám chân nến bằng pha lê được cất dọn và mấy cánh cửa mở vào căn phòng tiếp tân giờ đóng im lìm.
Sau khi kiểm tra giấy tờ tùy thân của họ, một anh lính mặc quân phục chỉnh tề dẫn Alice và Daldry lên tầng hai của tòa nhà được xây dựng theo phong cách tân cổ điển. Họ băng qua một hành lang dài rồi đứng đợi cho tới khi một cô thư ký tới đón đi.
Họ bước vào phòng làm việc của ngài tổng lãnh sự; ông có dáng người khắc khổ nhưng giọng nói lại niềm nở.
- Vậy là, thưa cô Pendelbury, cô là bạn của Quý Ngài.
Alice quay sang phía Daldry.
- Không phải tôi, anh thì thầm vào tai cô, lần này là muốn nói đến ngài đại sứ cơ.
- Vâng, Alice ấp úng nói với tổng lãnh sự.
- Hẳn cô phải thân thiết với họ lắm thì phu nhân đại sứ mới yêu cầu tôi cho cô một cuộc hẹn trong thời gian ngắn đến vậy. Vậy tôi có thể giúp gì cho cô đây?
Alice trình bày lời thỉnh cầu của mình, ngài tổng lãnh sự vừa nghe vừa ký tắt vào một tập hồ sơ đặt trên bàn.
- Thưa cô, cứ cho là bố mẹ cô đa xin được cấp thị thực thì họ sẽ tới tìm chính quyền Ottoman thời đó chứ không tới chỗ chúng tôi. Mặc dù trước khi Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập, lãnh sự quán của chúng ta được coi như sứ quán, nhưng tôi cũng không thấy có lý do gì mà hồ sơ của bố mẹ cô lại được xử lý tại đây. Có lẽ chỉ có bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ mới lưu giữ giấy tờ mà cô muốn tìm. Và nếu có giả sử rằng loại tài liệu ấy tồn tại được qua cách mạng cũng như hai cuộc chiến tranh thì tôi cũng không chắc họ lại đồng ý tiến hành tìm kiếm loại giấy tờ chán ngắt ấy.
- Trừ khi, Daldry nói, lãnh sự quán có lời thỉnh cầu đặc biệt với những cơ quan đó, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là yêu cầu của một người bạn rất thân với vợ ngài đại sứ Anh. Ngài sẽ ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng đôi khi mong muốn làm hài lòng một nước đồng minh đồng thời là đối tác kinh tế có thể dời cả núi. Tôi biết mình đang nói gì, bản thân tôi cũng có ông chú ruột cố vấn cho bộ trưởng Ngoại giao, mà nếu tôi không nhầm thì lãnh sự của ngài cũng trực thuộc bộ ấy. Đó là người đàn ông tuyệt vời, ông đã dành cho tôi một tình thương vô bờ bến kể từ khi anh trai ông, tức là người bố quá cố của tôi, đột ngột qua đời. Người chú mà hẳn tôi sẽ không quên kể với ông sự giúp đỡ quý báu ngài dành cho chúng tôi, đồng thời còn nhấn mạnh về hiệu quả công việc của các ngài. Tôi quên mất khi mình đang định nói gì rồi, Daldry nói, vẻ ngẫm nghĩ. Tóm lại, điều tôi muốn nói…
- Tôi nghĩ tôi đã hiểu ý định của ông, ông Daldry. Tôi sẽ liên hệ với các bên có liên quan, tôi sẽ cố gắng hết sức để họ cung cấp thông tin cho các vị. Tuy nhiên, các vị cũng đừng quá lạc quan, tôi không chắc chỉ là một lá đơn xin cấp thị thực mà lại được lưu trữ lâu đến vậy. Vậy là, cô Pendelbury, cô đã nói rằng chuyến đi giả thuyết của bố mẹ cô tới Istanbul năm 1909-1910 à?
- Chính xác thế, Alice đáp, ngượng đỏ mặt vì sự liều lĩnh của Daldry.
- Các vị hãy tận dụng những ngày còn ở đây, thành phố này tuyệt vời lắm; nếu nhận được kết quả gì, tôi sẽ nhắn tới khách sạn cho các vị, ngài tổng lãnh sự hứa hẹn trong lúc dẫn các vị khách ra cửa văn phòng.
Alice cảm ơn sự ân cần của ông.
- Tôi đoán rằng chú của ông, cũng là em trai của bố ông, cũng mang họ Daldry? ngài tổng lãnh sự vừa bắt tay vừa hỏi.
- Không hẳn thế, Daldry liều lĩnh đáp. Ngài hãy hình dung rằng vì là nghệ sĩ nên tôi đã chọn mang họ mẹ vì tôi thấy nó độc đáo hơn. Chú tôi mang họ Finch, như người cha quá cố của tôi.
Rời khỏi lãnh sự quán, Alice và Daldry quay trở lại khách sạn cùng uống tách trà mà ngài tổng lãnh sự đã không mời họ.
- Daldry có đúng là họ của mẹ anh không? Alice hỏi khi đã ngồi ở quầy bar.
- Hoàn toàn không, và cũng chẳng có ai mang họ Finch trong gia đình tôi. Ngược lại, lúc nào cô cũng có thể tìm thấy một viên chức mang họ đó ở cùng một bộ hoặc cơ quan hành chính. Đó là một cái họ vô cùng phổ biến.
- Anh đúng là chẳng biết sợ gì cả!
- Lẽ ra cô nên khen tôi mới phải, chẳng phải là chúng ta đã lèo lái được vụ việc một cách mau lẹ hơn còn gì?
* * *
Gió Tây Bắc đã nổi lên trong đêm; cơn gió thổi từ bán đảo Balkan mang theo cả những bông tuyết, cuối cùng cũng chấm dứt cái không khí dễ chịu của mùa đông năm ấy.
Khi Alice thức giấc, khắp các vỉa hè trên phố đã mang sắc trắng y như mấy tấm rèm bằng vải pecca vẫn phủ kín cửa sổ phòng cô và các mái nhà Istanbul giờ đây chẳng khác gì các mái nhà ở Luân Đôn. Cơn bão vẫn thổi mạnh cầm chân người trong nhà, người ta gần như không còn trông thấy eo Bosphore nữa. Sau khi ăn sáng ở nhà hàng của khách sạn, Alice lên phòng ngồi vào bàn làm việc, nơi đã thành thói quen, mỗi tối cô đều viết một bức thư.
Anton,
Những ngày cuối cùng của tháng Giêng. Đông đã tới và hôm nay chúng em đã được hưởn những giờ phút thư thái đầu tiên. Hôm qua em đã gặp ngài tổng lãnh sự Anh, ông ấy nhen nhóm trong em tia hy vọng về cơ may biết được liệu bố mẹ em từng đến đây hay chưa. Em phải thú thật với anh là mình vẫn không ngừng tự vấn về ý nghĩa của cuộc tìm kiếm này. Em thường hay tự hỏi liệu thực sự có phải chính những lời tiên tri của bà thầy bói, chính giấc mơ tìm ra một loại nước hoa mới đã khiến em rời xa Luân Đôn, hay chính là anh. Em đặt bút viết cho anh trong buổi sáng Istanbul này bởi vì em nhớ anh. Tại sao em giấu anh mối thiện cảm đặc biệt vẫn dành cho anh? Có lẽ bởi em sợ cho tình bạn giữa chúng ta. Từ khi bố mẹ em qua đời, anh là sợi dây duy nhất nối kết em với phần đời này. Em sẽ không khi nào quên những lá thư nhận được từ anh mỗi sáng thứ Ba suốt những ngày đằng đẵng em ẩn trốn trên đảo Wight.
Em hằng muốn anh lại tiếp tục viết cho em, muốn được đọc những dòng tin về anh, được biết những tháng ngày của anh trôi qua thế nào. Còn em, hầu như ngày nào em ở đây cũng tràn ngập niềm vui. Daldry là một đứa trẻ hư đốn nhưng lại là một quý ông thực thụ. Và rồi thành phố thì tuyệt đẹp, cuộc sống chứa đựng bao điều lý thú, còn người dân lại rất hào hiệp. Ở khu chợ lớn, em đã tìm được một thứ sẽ khiến anh thích mê, em không tiết lộ thêm đâu, xin thề lần này em sẽ giữ được bí mật. Khi nào em trở về, chúng mình sẽ cùng thả bước dọc bờ sông Thames và anh sẽ chơi cho em…
Alice nhấc bút, nhay nhay quản bút rồi gạch xóa những từ cuối cùng cho đến khi không còn đọc nổi nữa.
… chúng mình sẽ cùng thả bước trên kè sông Thames và anh sẽ kể cho em nghe những gì xảy đến với mình khi em xa Luân Đôn đến thế này.
Đừng nghĩ rằng em đi chỉ để làm khách du lịch, công việc của em vẫn tiến triển, hay nói đúng hơn là em đang nung nấu những dự định mới. Ngay khi thởi tiết thuận lợi hơn, em sẽ tới khu chợ bán các loại gia vị. Đêm qua em đã quyết định sẽ tạo ra những mùi hương mới để xức cho không gian nội thất. Đừng vội nhạo em, đó không phải ý tưởng của em, em có được nó là nhờ người thợ em đã kể với anh trong thư trước. Hôm qua, trong lúc ngủ, em lại nghĩ tới bố mẹ mình, và mỗi kỷ niệm đều gắn liền với một mùi hương. Ý em không muốn nói tới mùi nước hoa của bố hay mẹ em, mà là những thứ mùi khác. Anh hãy nhắm mắt lại rồi nhớ lại những mùi hương thời thơ ấu ấy, mùi chiếc cặp da của anh, mùi phấn trắng, thậm chí cả mùi tấm bảnh đen khi thầy giáo bắt anh đứng úp mặt vào đó, mùi sô cô la sữa mẹ pha cho anh trong bếp. Còn ở nhà em, mỗi khi mẹ em nấu ăn là lại thơm phức mùi quế, hầu như món tráng miệng nào mẹ cũng nêm thứ gia vị ấy. Trong ký ức về những mùa đông của em dội về mùi những cành củi bố em lượm được ở rừng rồi đốt trong lò sưởi; còn trong ký ức về những ngày xuân là mùi đóa hồng dại mà bố hái tặng mẹ vẫn tỏa hương trong phòng khách. Mẹ vẫn luôn nói với em: “Làm sao con có thể cảm nhận được tất cả những thứ ấy?” Bà không bao giờ hiểu được rằng em đánh dấu mỗi khoảnh khắc trong đời mình bằng mùi hương đặc biệt ấy, rằng chúng là ngôn ngữ của em, là cách em lĩnh hội thế giới quanh mình. Và em vây dồn những mùi hương của mỗi giây phút trôi qua, giống như những người khác ngất ngây khi nhìn ánh ngày đổi sắc. Em phân ra hàng chục loại nốt mùi, nốt mùi nước mưa đầm đìa trên lá rồi hòa với đám rêu trên thân cây và tan biến ngay khi mặt trời khiến cho mùi rừng nồng đặc thêm, nốt mùi đám cỏ khô khi hè tới, nốt nùi rơm rạ trong những kho thóc nơi chúng ta vẫn tới trốn tìm, kể cả nốt mùi thứ phân chuồng anh vẫn hay đẩy em giẫm phải… và nốt mùi đóa hoa tử đinh hương anh tặng cho em khi em tròn mười sáu.
Em có thể nhắc lại anh ng biết bao kỷ niệm thời niên thiếu cũng như đã khi chúng mình đã lớn đồng thời gọi tên những mùi hương đã đọng lại trong tâm trí em. Anton, anh có biết rằng bàn tay anh có mùi giống như mùi hạt tiêu, một thứ mùi hòa trộn giữa mùa đông, mùi xà phòng và thuốc lá không?
Giữ gìn sức khỏe nhé Anton, em hy vọng là anh cũng nhớ em chút ít.
Tuần sau em sẽ lại viết thư cho anh.
Hôn anh.
Alice
* * *
Hôm sau bão, mưa không ngớt nên tuyết tan hết. Những ngày sau đó, Can đưa Alice và Daldry tới khám phá những công trình khác của thành phố. Họ đến thăm cung Topkapi, đền thờ Süleymaniye, lăng mộ của Soliman và Roxelane, dạo chơi hàng giờ đồng hồ trên những con phố nhộn nhịp quanh cầu Galata, lượn khắp những lối đi của khu chợ Ai Cập. Ở chợ gia vị, Alice dừng lại trước mỗi sạp hàng, ngửi thử các loại bột, các loại thuốc sắc làm từ hoa khô, các loại nước hoa đựng trong lọ thủy tinh. Daldry ngất ngây thực sự, lần đầu tiên là trước những tác phẩm gốm tuyệt đẹp của thành Iznik trong đền thờ Rüstem Pasa, rồi lần thứ hai là trước những bức tranh tường trong nhà thờ cổ Saint-Sauveur. Trong lúc dạo quanh những con hẻm ở một khu phố cổ nơi các ngôi nhà bằng gỗ chống chọi lại được nhiều trận hỏa hoạn lớn, Alice bỗng cảm thấy khó ở và muốn lánh ra xa. Cô để Daldry trèo lên tháp Génoise, ngọn tháp cô từng thăm thú lúc không có anh. Nhưng khắc đẹp nhất hẳn phải là khi Can dẫn cô vào lối đi toàn hoa và khu chợ có mái che nơi cô muốn ở lì cả ngày tại đó. Họ ăn trưa tại một trong nhiều quán rượu ngoài trời ở góc phố. Thứ Năm họ làm một vòng quanh khu Dolmanbahçe, thứ Sáu đi quanh khu Eyüp, nằm sâu trong vịnh sừng vàng. Sau khi chiêm ngưỡng làng một người bạn đồng hành của Đấng Tiên Tri, họ trèo thang lên tận khu nghĩa trang rồi thống nhất nghỉ một chút tại quán cà phê Pierre Loti. Từ ô cửa sổ trong căn nhà cũ kỹ nơi nhà văn Pierre Loti từng tới nghỉ ngơi, người ta có thể nhận thấy phía trên phiến đá của những nắm mộ từ thời Ottoman là quang cảnh chân trời hùng vĩ mà hai bờ eo Bosphore mở ra.
Buổi tối ấy, Alice thổ lộ với Daldry rằng có lẽ đã đến lúc nghĩ tới chuyện trở về Luân Đôn.
- Cô năn nỉ tôi sao?
- Anh Daldry thân mến ơi, chúng ta tới đây không đúng mùa rồi. Lẽ ra chúng ta nên đợi khi hoa lá đâm chồi nảy lộc mới thực hiện chuyến đi này. Vả lại nếu tôi muốn một ngày nào đó có thể hoàn lại cho anh mọi chi phí anh phải bỏ ra thì tốt nhất tôi nên quay lại bàn làm việc. Nhờ anh, tôi đã có một chuyến đi tuyệt vời và khi trở về trong đầu tôi tràn ngập những ý tưởng mới, nhưng giờ đến lúc tôi phải hiện thực hóa chúng.
- Không phải các loại nước hoa cô đưa chúng ta tới đây, cô biết rõ mà.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian